Trung Thu
“Sân nhà em sáng quá
Nhờ ánh trăng sáng ngời
Trăng tròn như cái đĩa
Lơ lửng mà không rơi…”
Những khi đến mùa Trung-thu, không hiểu sao những câu thơ của tác giả Nhược Thuỷ lại văng vẳng trong đầu tôi. Có lẽ vì hình ảnh của Trung-thu được kể qua lời của người lớn hay qua các bài hát là những đêm bầu trời trong vắt, với ánh trăng toả sáng , mà dưới đó bầy trẻ em nô đùa, rồng rắn với lồng đèn trên tay, đủ màu sắc, đủ hình dạng. Nào là lồng đèn cá chép, con gà, con thỏ…, thu hút hơn nữa là lồng đèn ông sao, con rồng. Các giấy bóng kiếng đủ màu sắc, được dán một cách khéo léo, tô điểm thêm bởi các hình vẽ màu, được thắp sáng bằng những cây đèn cầy nhỏ xinh làm cho các sinh vật lung linh sống động như đang tung tăng trên các con đường xóm nhỏ. Ánh nến bập bùng như làm bừng sáng hơn đôi mắt ngời ngời niềm vui của trẻ thơ. Ồ, tôi lại đang đắm chìm trong các lời kể của người lớn về Trung-thu rồi.
Quê tôi là một thành phố nhỏ vùng cao nguyên Lâm Viên, nơi mà vào thời đó, tôi cứ nghĩ thế giới chỉ luôn là những ngôi nhà nhỏ xen giữa những tán thông cao vút, hoa dại khắp ven đường và những con dốc chập chùng trong màn sương, tưởng chừng như đi hết con dốc đó, là có thể lên được tới tầng mây. Nơi mà cái không khí lành lạnh như cứ luôn ôm ấp chúng tôi suốt ngày đêm, để những đôi má luôn đỏ hồng dù hè hay đông, và những cơn mưa dầm dề triền miên từ ngày này sang ngày nọ, đâu đâu cũng là một màn mưa giăng kín, nhất là độ thu về. Nào là mưa phùn, mưa ngâu, mưa rào, mưa giông, mưa trút, mưa xối xả… Thật ra tôi lúc đó (mà kể cả bây giờ) không thể phân biệt được rõ các loại cơn mưa, chỉ là tôi rất thích cách đặt tên cho các cơn mưa như vậy, làm như là khi tôi gọi tên được từng cơn mưa, mưa sẽ nghe được tôi như một người bạn thân.
Tôi không phiền vì mưa, mà ngược lại, tôi còn thích mưa nữa ấy chứ. Chỉ có duy nhất một thời điểm tôi không thích mưa, đó là ngày rằm tháng tám. Không biết từ khi tôi sinh ra cho tới khi tôi bắt đầu biết nhớ, tôi đã trải qua bao nhiêu mùa Trung-thu, tôi không nhớ, không ấn tượng gì mấy. Cho tới một năm nọ, tự nhiên tôi biết được thời gian là gì, và sự kiện nào trong năm. Thật háo hức và vui sướng, vì trong tôi có cảm giác: “Ồ, mình đã lớn hơn một chút rồi”, vui hơn nữa vì lúc đó sắp đến ngày Trung-thu. Khắp nơi trong các xóm nhỏ, nhà nhà làm lồng đèn, lồng đèn còn được bán trong các tiệm tạp hoá, chợ và rất nhiều bánh Trung thu, đủ màu sắc, đủ hình dáng… Lòng háo hức chờ đón đến tối 15. Trong khi đó, tôi ráng lục lọi trong trí nhớ mờ mờ của mình, những đêm Trung-thu của tôi trong các năm trước như thế nào, tuyệt nhiên tôi không nhớ điều gì, nó cứ như một hình ảnh nào đó chìm đắm trong màn sương dày đặc mỗi sáng tôi đi học vậy. Tất cả những gì tôi biết chỉ là những lời kể của người lớn hay bài hát. Nhưng điều đó cũng không làm phiền lòng tôi mấy, vì tôi biết chắc, sắp tới đây, tôi sẽ có ký ức đầu về sự kiện này, thật rộn ràng quá đi ha, hihi…
Rồi ngày đó đã đến, tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình. Tôi dành hết số tiền có được để mua một cái siêu đỉnh, lồng đèn kéo quân, một trong những lồng đèn “quý tộc” trong mắt tụi trẻ trong xóm. Cầm một nắm tiền, tôi phăm phăm chạy ra tiệm đầu chợ, chỉ ngay vào cái lồng đèn kéo quân màu trắng bằng giấy pơ-luy, với hình bên trong là các nhân vật trong truyện cổ tích Andersen: nàng tiên cá Ariel, bà chúa Tuyết, cô bé bán diêm… “Cô bán cho con cái lồng đèn này ạ”, và tôi xoè nắm tiền ra trước mặt. Cô bán tạp hoá cầm đếm đếm rồi nói: “đây có 5 đồng, cái lồng đèn này 15 đồng lận con”. Tôi vẫn không biết điều đó có nghĩa là gì, cho tới khi, cô nói lại thêm lần nữa: “chưa đủ tiền con ơi”. Chắc khi đó, mặt tôi thộn ra nhìn ngố và thất vọng lắm hay sao á, mà cô tất tả đưa tôi xem thêm mấy cái lồng đèn khác. Cuối cùng, dù bên tai vẫn còn ong ong, chưa hết bàng hoàng, tôi cũng chọn được cho mình một cái lồng đèn được tạm coi là oách… nhì, một ông sao có cái chuông lúc lắc hai bên cánh. Sáng hôm đó, trời mưa tầm tã đến tận ban trưa. Thật ra là mưa liên tù tì từ hai ngày trước, nhưng bởi đầu óc tôi mãi bận bịu với bao tưởng tượng, săm soi cái lồng đèn, nến lui tới; mà quên mất, trời mưa thì chỉ có bó gối ngồi hiên nhà. Mưa dầm mưa dề đến tận lúc chiều. Cứ chốc chốc tôi lại hỏi me: “khi nào trời hết mưa vậy me? Mưa mình có rước lồng đèn được không?” Trong khi tay tôi đã cầm sẵn lồng đèn rồi. Mà không phải tôi đâu, con Bé cạnh nhà tôi cũng vậy mà, chốc chốc, tôi cũng thấy nó tầng ngần ngoài hiên cửa. May sao, đến tận 6 giờ chiều, trời tạnh mưa hẳn. Vậy là cả xóm tôi rộn ràng hẳn lên, mỗi đứa xăm xăm lồng đèn trong tay, kéo ra đầu ngõ. Thôi thì đủ các loại màu sắc, âm thanh và cả tiếng chí choé át luôn cả tiếng bắt lời bài hát của một anh đầu xóm. Ánh nến lập loè hắt lên khuôn mặt bừng sáng của mấy đứa bạn tôi, nhìn thật lung linh làm sao. Và cũng khi đó, lần đầu tiên tôi thấy được đôi mắt đẹp là như thế nào, hình như đôi mắt có thể nói lên tất cả, sáng ngời, dù đêm đó mây che kín, không thấy trăng. Rồng rắn được một đoạn, lên các con dốc nhỏ trong xóm, hát vang “Tết Trung-thu em rước rước đèn đi chơi”, tầm 7 giờ hơn, chúng tôi ai lại về nhà nấy, vì trời lại bắt đầu mít ướt. Tuy chỉ được một thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ thoả lòng những đứa trẻ tụi tôi. Về sau, tôi cũng đã có, hoặc là tôi hoà mình vào trong đó, hoặc là tôi ngồi ngắm nhìn, được những đêm rằm tháng tám nhộn nhịp có trăng sáng, trời trong vắt và không khí vui nhộn của lũ trẻ lẫn người lớn. Nhưng ấn tượng trong tôi vẫn là đêm Trung-thu với trời mưa giăng kín, ngồi nhìn mưa rơi bên ánh nến bập bùng, và văng vẳng đâu đó lời bài hát để hồn ai mơ thấy ánh trăng tan… ”…Những hôm nào trăng khuyết Trông giống con thuyền trôi Em đi trăng theo bước Như muốn cùng đi chơi.” Và cũng tại nơi đây, mỗi đêm trăng sáng sau những ngày ẩm ướt, lòng lại thấy hân hoan đến lạ, những giấc mơ hoa tìm về ký ức xưa. Chỉ vài ngọn nến lung linh thêm tách trà sen phảng phất, mùi bánh dẻo nhân sen ùa về bên ánh lửa hồng. Phải chăng tôi tìm thấy Hạnh-phúc trong những ký ức Bình-yên? Hay những giờ phút Bình-yên nơi đây mang tôi về tâm hồn thơ trẻ tinh khôi?
https://fb.watch/uFfyH7Z4f1
Leave a Reply